Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

BỐN MẨU TIN, MỘT GÓC NHÌN

1.     Lạnh lùng “chuyền bóng”:
Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng vẫn nóng. Giải thích việc nhà anh Đoàn Văn Quý bị phá sập, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND huyện Tiên Lãng nói “lạnh lùng” như một “cầu thủ” đẳng cấp “chuyền bóng” trách nhiệm: “Sau khi cưỡng chế xong, huyện đã bàn giao cho xã chiều 5-1, mọi việc xảy ra sau đó thuộc trách nhiệm của xã”. Ông này còn giải thích thêm, “qui trình” xử lý việc “nhà bị phá” là: “Làm gì cũng phải có trình tự thủ tục. Hiện nay chỉ mới có thông tin chứ chưa có căn cứ. Người có tài sản mất mát, phá hủy phải có ý kiến. Người ta kiến nghị lên xã thì xã xem xét, kiến nghị lên huyện thì huyện xem xét. Hiện không biết gia đình người ta đã có đơn gì chưa, huyện chưa nhận được gì. Hiện huyện chưa có cơ sở nào để bảo là ai mất mát hoặc ai phá hủy tài sản. Hiện chỉ có báo chí phản ánh chứ không phải phản ánh của gia đình ông Quý hay ông Vươn”(Báo Pháp luật TP HCM ngày 07-02-2012).
2.     Nhà tù tiêu chuẩn ISO:
Mời đi lối này” – Một cảnh sát nhã nhặn hướng dẫn bị can vào phòng tạm giam. Chuyện thật như đùa ở Kenia. Ông Phó Thủ tướng nước này còn yêu cầu cảnh sát và giám thị phải đối xử với bị can bị tạm giam như những “khách hàng”, để tiến tới xây dựng qui trình ứng xử của các ông “cai ngục” theo tiêu chuẩn, chất lượng ISO. Chuyện bên châu Phi, nhưng rất đáng được suy ngẫm từ góc nhìn vụ Tiên Lãng.    
3.     “Bỏ tù” chưa đả, đòi “tử hình” … phương tiện giao thông:
Đã có nhiều ý kiến “phê bình” việc “tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông” thời gian qua. Xét góc độ lợi ích kinh tế, đó là cách ứng xử thiếu khôn ngoan, gây thiệt hại cho xã hội. Phương tiện bị giữ không được sử dụng để mang lại “giá trị kinh tế”, phải xây kho tạm giữ, phương tiện không hoạt động bị hỏng hóc, … Tại sao Nhà chức trách không tăng mức phạt tiền để răn đe kẻ vi phạm? Xét về tư duy lập qui cũng trật. Ai đi phạt “đồ vật” – không có nhận thức – bằng cách “bỏ tù” nó. Chuyện chưa dứt, lại có người đề nghị “tử hình” phương tiện giao thông bằng cách tiêu hủy. "Tôi đã đề nghị tịch thu và hủy luôn phương tiện, bởi đua xe là gây tai nạn, gây chết người. Tuy nhiên, đề nghị của tôi chưa được chấp thuận" (Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của VnExpress.net sáng 5/10/2011). May mà đến nay đề nghị này chưa được thực thi, không thì đã xảy ra nhiều vụ “phá hoại tàn sản” rồi.  
4.     Thay đổi “cà giựt”?
Thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay bắt đầu nóng với những dự kiến thay đổi “cà giựt”. Một số trường sẽ bổ sung khối thi mới (A1, H1) kèm theo thay đổi các môn thi. Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa có quyết định chính thức, trong khi phụ huynh nóng lòng chờ đợi, lo âu, học sinh hoang mang, ảnh hưởng tâm lý học tập. Hiện nay học sinh đã học và ôn hơn nửa chương trình, không còn thời gian để ôn tập các môn thi mới “trên trời rơi xuống”. Một chủ trương lớn, tác động đến đối tượng đông đảo, cần được chuẩn bị kỹ, thông tin ngay từ đầu năm. Mong rằng nó không thành chuyện “đáng tiếc” như phá nhà, cũng như sẽ không có chuyện “tử hình phương tiện giao thông”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét